Giải thích về 4 lý thuyết của Carl Jung: Persona, Shadow, Anima/Animus, The Self

Giới thiệu ngắn gọn về Carl Jung và tâm lý học phân tích

Tác giả: Harry J. Stead

The Persona

Khi đối mặt với thế giới bên ngoài, chúng ta thường thể hiện một phiên bản cường điệu hoá của bản thân nhằm gây ấn tượng tốt. Cá tính mà chúng ta thể hiện trong công việc không hề giống với khi ta ở nhà.

Vì chúng ta không phải gây ấn tượng với ai khi ở một mình cả, nhưng khi ở trong đám đông chúng ta đeo mặt nạ, một cái persona, để chúng ta có thể áp đặt hình ảnh mà bản thân mong muốn lên người khác.

Mỗi nghề nghiệp đều có những thỏa thuận ngầm về cách hành xử nào mới là phù hợp, và điều gì không phù hợp; và xã hội mong đợi là mỗi cá nhân sẽ tự điều chỉnh để đáp ứng những yêu cầu đó mà không cần phải có người giải thích cho.

Ví dụ, một bác sĩ được mong đợi là sẽ hành xử như những gì một người bác sĩ nên làm, đó là kiên nhẫn và cảm thông mà không phải người bình thường nào cũng làm được; bất cứ biểu hiện thiếu kiên nhẫn hay không thân thiện sẽ không được chấp nhận, và dĩ nhiên là có lý do chính đáng cho việc này.

Sau cùng thì, mục đích tồn tại của cái persona là để chế ngự những mong muốn, xung động và cảm xúc nguyên thuỷ không được xã hội chấp nhận, mà nếu chúng ta hành động theo thì không khác gì kẻ ngốc. Bất cứ ai có đầu óc đều nhìn ra được việc này; nhưng mỗi người trong chúng ta đều giả vờ rằng tất cả đều là thật, để xã hội có thể vận hành bình thường.

Vấn đề của cái persona chỉ xuất hiện khi một người bị đồng hóa với vai diễn của mình đến nỗi mất hết ý thức về bản thân (The self). Lúc này chuyện đáng tiếc xảy ra: người đó sẽ hoàn toàn mất khả năng phân biệt giữa chính họ với thế giới họ đang sống.

Kết cục của một cái persona bị thổi căng, Jung cảnh báo, là một kiểu tính cách ‘nông cạn, dễ vỡ, thiếu chính kiến’, và sự quan tâm quá mức đến việc ‘mọi người nghĩ gì’. Đó sẽ là một người luôn hy sinh bản thân vì mong muốn của người khác – không phải vì họ là một vị thánh, mà bời vì họ không đủ can đảm để từ chối và chịu đựng xung đột.

The Shadow

Nếu chỉ có vậy, cái persona là để tuân theo những mong đợi; là cái mặt nạ một người đeo lên để thuyết phục bản thân và những người khác rằng họ không hoàn toàn là một kẻ xấu. Nhưng một người không thể vượt ra khỏi cái persona cho đến khi họ hợp nhất được tính cách cá nhân với những đặc điểm tính cách đen tối hơn, cái mà Jung gọi là ‘Shadow self’.

Shadow và tất cả những gì chúng ta tự phủ nhận về chính mình và ném chúng vào vùng quên lãng, hay đúng hơn là những thứ bị cái tôi (Ego) chối bỏ, chúng ta dễ dàng nhận thấy chúng trên người khác – như tình dục, bộc phát, hung hăng, bản năng, hèn nhát, bất cẩn, đam mê, nhiệt huyết, tính chiếm hữu. Nó ôm trọn những tội lỗi, suy nghĩ đen tối, và tâm trạng mà chúng ta cảm thấy tội lỗi và xấu hổ.

Shadow là cảm xúc cần thiết trong tự nhiên, vì nó phải chống lại sự cứng nhắc của bản ngã (Ego); nó giữ quyền tự chủ của riêng mình, tách rời khỏi phần tâm trí có ý thức. Bởi tính bản năng và phi lý trí như vậy, Shadow thể hiện sự phóng chiếu tâm lý, bằng cách chúng ta gán những người khác mọi phẩm chất xấu xa và thấp kém mà tự bản thân ta không dám thừa nhận.

Jung viết: “Một người không thể nhận thức về chính mình sẽ hành động một cách mù quáng, bản năng và dễ dàng bị lừa bởi những ảo tưởng xuất hiện khi họ gặp chính bản thân mình từ bên ngoài, thông qua sự phóng chiếu của bản thân lên những người xung quanh.” (Trích cây triết học, trang 335.)

Khi chúng ta nhận thấy một sự suy đồi đạo đức ở người khác, chắc chắn là đã có sự thấp kém tương tự trong chính chúng ta.

Von Franz viết “Nếu bạn cảm thấy một cơn thịnh nộ dâng lên khi một người bạn trách móc bạn về một lỗi lầm, có thể chắc rằng tại thời điểm đó, bạn sẽ tìm thấy một phần cái Shadow của bạn, thứ mà bạn không nhận thức được.”

Nếu chúng ta quan sát sự tức giận của chính mình đối với bản thân và người khác, và nếu chúng ta xem xét các khía cạnh đạo đức trong hành vi của mình, thì chúng ta sẽ có cơ hội mang cái Shadow vào phần có ý thức, và đạt được một cảm quan mới về sức mạnh và sự độc lập.

Anima/Animus

Jung tin là nằm gọn bên trong cái Shadow là những phẩm chất của người khác giới. Cái Anima là nguyên bản thể hiện sự thật là đàn ông có một số ít tính nữ; và cái Animus thử hiện tính nam trong người phụ nữ.

Trong mỗi người đàn ông có một người đàn bà, và trong mỗi người đàn bà có người đàn ông; hay đúng hơn, có một hình mẫu đàn ông/đàn bà lý tưởng, thường thì, được hình thành một phần bởi trải nghiệm về bố/mẹ, và bởi sự ảnh hưởng của văn hoá và di sản.

Người ta có thể lập luận là ý tưởng về tính nam và tính nữ dựa trên những định kiến độc đoán. Nhưng Jung đưa ra các khái niệm anima và animus như những bản nguyên cổ xưa của Eros và Logos.

Eros (phụ nữ) liên quan đến sự cởi mở, sáng tạo, mối quan hệ, và sự toàn vẹn…Logos (đàn ông) được xác định với sức mạnh, tư duy và hành động. (Trong tiếng Hy Lạp cổ Eros nghĩa là ‘tình yêu’, hay ‘năng lượng sống’; trong khi Logos nghĩa là nguyên tắc về trật tự và kiến thức).

Cái anima là hiện thân của mọi xu hướng có tính nữ, cả tiêu cực lẫn tích cực, trong tâm lý người đàn ông. Một biểu hiện tích cực của cái anima có thể bao gồm sự nhạy cảm và đồng cảm, khả năng yêu thương, và yêu thiên nhiên.

Nhưng khi cái anima bị chối bỏ – nghĩa là, nếu một người đàn ông kìm nén những đặc điểm thường bị xem là nữ tính – thì cái anima sẽ bị biến dạng: cảm xúc và tình cảm bị thay thế bởi sự ủ rũ, uỷ mị, cuồng loạn; sự trung thành trở thành sự chiếm hữu; tính thẩm mỹ trở thành sắc dục; sự tế nhị trở thành ẻo lả; sự mường tượng trở nên hư cấu.

Cái animus, ngược lại, là hiện thân của mọi xu hướng có tính nam trong tâm lý người phụ nữ, như là sức mạnh niềm tin, sự quyết đoán, lòng can đảm, sức mạnh, sức sống và mong đạt được thành tựu.

Nhưng nếu người phụ nữ coi thường khía cạnh nam tính của mình thì cô ta sẽ bị chiếm hữu bởi cái animus: sự quyết đoán sẽ trở nên hung hăng và tàn nhẫn; và tư duy phân tích sẽ trở thành tính thích tranh luận.

Giống như với cái Shadow, các nguyên bản của anima/animus có quyền tự chủ riêng và độc lập với phần tâm trí có ý thức.

Do đó, cái anima/animus có thể được phóng chiếu lên thế giới để xuất hiện như một người đàn ông/đàn bà cụ thể. Với sự hiện diện của anima, hoặc ít nhất là một sự mô phỏng tốt của cái anima, một người đàn ông sẽ cảm thấy thân thuộc lạ kỳ với một người phụ nữ như thể anh ta đã biết người phụ nữ này từ rất lâu; trong một vài trường hợp, năng lượng giữa 2 người trở nên say đắm, đến độ anh ta có thể nói rằng anh đã ‘yêu từ cái nhìn đầu tiên’.

Sự thật là, anh ta chỉ yêu một sự lừa dối, với hình ảnh mà anh ta đã phóng chiếu lên người phụ nữ khác. Chỉ đến khi ảo ảnh của hình chiếu đó tan biến, anh ta mới nhận ra mình chỉ là một kẻ ngốc. Chỉ khi sự phóng chiếu giảm đi, cái anima có thể được nhận biết như một năng lực trong mỗi con người.

Sau khi hợp nhất với cái anima, người đàn ông dường như được kết nối lại với một sức mạnh thần thánh trong thế giới nội tâm – như là khả năng sáng tạo, hoặc sự nhạy cảm với thế giới tự nhiên – thứ luôn tiềm ẩn trong họ; nhưng việc này phải được chỉ ra cho họ thấy bằng sự hiện diện của một người phụ nữ, bởi bàn tay chỉ dẫn của một người phụ nữ.

The Self

Sau khi một người đã vượt qua được cái persona, hợp nhất cái shadow và các khía cạnh bản nguyên của cái anima/animus với cá tính của bản thân mình, Jung tin là họ sẽ nhận được quyền truy cập vào vùng sâu nhất và cao nhất của tâm thức, cái bản nguyên của sự toàn vẹn, mà Jung đặt tên là cái ‘Self’, cái quan trọng nhất trong tất cả các nguyên mẫu. Jung viết ‘Cái Self ôm lấy ý thức về bản ngã, cái shadow, anima và cái vô thức tập thể trong sự mở rộng khó định rõ.’ (Trích Mysterium Conieftis, trang 108.)

Cái Self lúc đó là tổng của tất cả mọi thứ chúng ta hiện tại, và mọi thứ chúng ta từng là, và dĩ nhiên là mọi thứ chúng ta có khả năng trở thành; nó là biểu tượng của ‘Thần thánh trong chính chúng ta’, là thứ mà chúng ta gọi là thể toàn diện.

Bản nguyên của cái ‘Self’ là nguồn gốc của sự thúc đẩy chúng ta đến tự nhận thức (self-realisation); đó là một điểm duy nhất mà tính cách và cá tính trưởng thành khi chúng ta già đi – giống như một hạt giống nắm giữ toàn bộ tương lai khả dĩ của một bông hoa.

Chính cái ‘Self’ đưa ra cái mà Jung gọi là ‘quá trình của sự định rõ (individuation)’, nó bắt đầu từ tiềm năng của thời thơ ấu đến một hành trình mở rộng của việc khám phá bản thân, nhờ đó một người dần dần và một cách có ý thức hợp nhất với khía cạnh vô thức – phần mà chúng ta thường tránh chạm trán – để trở thành một thể thống nhất.

Jung tin rằng đó là mục đích cuối cùng của cuộc sống con người là để trải qua việc trở thành một thể thống nhất (The whole), để hoàn toàn hợp nhất và tỉnh thức về mọi thứ của bản thân mà từng bị ẩn đi trong cái Shadow.

Kết cục này là sự biểu lộ trọn vẹn nhất của cá tính một người, và cho phép họ giữ vững cá tính của họ chống lại cái vô thức tập thể.